Quy mô Chăn nuôi ở Việt Nam

Mô hình nuôi gà vườn ở Hà Nội, nó cũng phản ánh quy mô nông hộ nhỏ lẻ trong chăn nuôi gà ở Việt Nam

Theo số liệu chính thức Việt Nam hiện có 10,9 triệu hộ chăn nuôi gà vịt, 4 triệu hộ chăn nuôi heo và khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi bò, cộng chung là gần 18 triệu hộ[6]. Một thống kê khác cho biết có khoảng 4 triệu hộ chăn nuôi heo, 7,9 triệu hộ chăn nuôi vịt, 2,5 triệu hộ chăn nuôi bò[1]. Quy mô chăn nuôi còn nhỏ bé, phổ biến nhất vẫn là trang trại quy mô chăn nuôi theo hộ gia đình, nên đa số hoạt động manh mún, nhỏ lẻ. Trong số 4.131,6 nghìn hộ chăn nuôi thì số quy mô nhỏ (dưới 10 con lợn/hộ) chiếm tới 86,4%, riêng số hộ quy mô siêu nhỏ (1-4 con lợn/hộ) chiếm 71,6% tổng số hộ chăn nuôi, nhưng chỉ sản xuất 43,2% tổng lượng thịt, về gia cầm, trong tổng số 7.864 nghìn hộ chăn nuôi, số hộ quy mô nhỏ (dưới 100 con gia cầm/hộ) chiếm 89,62% (riêng quy mô siêu nhỏ 1-19 con chiếm 54,39%) nhưng chỉ sản xuất 30% tổng số thịt gia cầm[2].

Hình thức trang trại chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao trong tổng số lượng trang trại nông nghiệp cả nước, và hiện nay tỷ trọng này đang có chiều hướng tăng lên. Năm 2013 có 9.026 trang trại chăn nuôi (bằng 38,72 tổng số trang trại nông nghiệp), 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ có nhiều trang trại nhất (tương ứng có 3.709 và 2.204 trang trại), hệ thống chăn nuôi quy mô nhỏ, mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm thấp đang cung cấp ra thị trường gần 70% sản phẩm thịt. Trong khi đó, chăn nuôi thương mại quy mô lớn, công nghệ hiện đại, an toàn thực phẩm cao chỉ mới cung cấp trên 15% lượng thịt cho tiêu dùng. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiểm năng chăn nuôi lớn trong khu vực với khả năng sản xuất 27,5 triệu đến 28 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm và 0,5 triệu bò sữa[7].

Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng qua các năm, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng chiều hướng giảm xuống từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và dấu hiệu hồi phục còn chậm, năm 2014 giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (theo giá so sánh 2010) đạt 15.4015 tỷ đồng tăng 4,1% so với năm 2013. Một phương hướng là giảm số lượng, đặc biệt là số lượng lợn nái từ 4,2 triệu con hiện nay xuống 3 triệu con vào năm 2020. Đồng thời tăng chất lượng đàn heo nái trong tương lai để 3 triệu con có hiệu suất như 4,2 triệu con, cần mở rộng chăn nuôi tập trung, giảm 3 triệu hộ chăn nuôi đơn lẻ hiện nay[8].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chăn nuôi ở Việt Nam http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39774159 http://channuoivietnam.com/tinh-hinh-chan-nuoi-tha... http://www.baogiaothong.vn/tuong-lai-chan-nuoi-vn-... http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/31... http://www.thesaigontimes.vn/131914/Hang-trieu-ho-... http://www.thesaigontimes.vn/135474/Uc-My-se-thay-... http://vietnammoi.vn/xuat-khau-thit-lon-ra-the-gio... http://vtv.vn/video/viet-nam-va-the-gioi-nganh-cha... https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-anim-hu... https://news.zing.vn/apec-2017-co-the-cuu-nganh-ch...